VI | ENG
Hà Tĩnh: Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp cơ sở để nâng hạng chỉ số PCI

Hà Tĩnh: Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp cơ sở để nâng hạng chỉ số PCI

Với kỳ vọng cải thiện chất lượng điều hành kinh tế cấp cơ sở để đẩy mạnh chất lượng môi trường đầu tư và cải cách thủ tục hành chính, Hà Tĩnh đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng và dự kiến triển khai bộ chỉ số DDCI trong tháng 8 này.

Cải thiện năng lực điều hành kinh tế cấp cơ sở

Thời gian qua, với các giải pháp đồng bộ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Tĩnh liên tục được cải thiện và luôn nằm trong nhóm khá của cả nước; là 1 trong 5 tỉnh cải thiện chất lượng điều hành nền kinh tế thay đổi mạnh mẽ nhất cả nước tính từ năm 2006 đến nay.

Để tiếp tục nâng hạng chỉ số PCI, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút nhiều nguồn lực phát triển, việc nghiên cứu, áp dụng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và cấp huyện (DDCI) được đánh giá là việc làm cần thiết hiện nay.

Đối tượng đánh giá sẽ thể hiện vai trò giám sát về thái độ, chất lượng hành chính công của các sở, ngành, địa phương. Do vậy, DDCI đóng vai trò là một công cụ theo dõi, giám sát việc thực thi ở các cấp có liên quan, từ đó nâng cao hiệu quả điều hành của lãnh đạo tỉnh” - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Phan Thành Biển cho biết.

Theo đánh giá, chỉ số PCI cho thấy các điểm mạnh, điểm yếu, những cái được, chưa được trong năng lực điều hành và môi trường kinh doanh cấp tỉnh, nhưng chưa cụ thể hóa đến các sở, ngành, địa phương.

Thực tế cho thấy, trong các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện dễ nảy sinh tình trạng “giao khoán” trách nhiệm của một vài đơn vị chủ trì mà thiếu động lực cải cách cho toàn bộ hệ thống các cơ quan nhà nước. Vì vậy, rất cần thiết phải “chuyển hóa” trách nhiệm từ tỉnh (PCI) sang các sở, ngành, địa phương cấp huyện (DDCI).

Thúc đẩy thi đua về chất lượng điều hành kinh tế

DDCI Hà Tĩnh dự kiến sẽ được xây dựng tương tự PCI, khoa học và có tính chất đánh giá độc lập cấp tỉnh, do đó sẽ phản ánh những khác biệt về năng lực điều hành kinh tế của cấp sở, ban, ngành và cấp huyện.

Sau khi nghiên cứu các chỉ tiêu của Bộ chỉ số PCI, rà soát các mô hình đánh giá DDCI của các tỉnh, trên cơ sở tình hình thực tiễn tại địa phương, tỉnh đang nghiên cứu lựa chọn bộ chỉ số DDCI với 8 chỉ số thành phần cho khối sở, ban, ngành gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động và hiệu lực; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; vai trò của người đứng đầu.  Đối với khối cấp huyện, ngoài 8 chỉ số trên, bổ sung thêm chỉ số tiếp cận đất đai.

Giám sát thái độ phục vụ của cán bộ liên quan để nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp là một trong những mục tiêu mà DDCI hướng đến. “Mỗi chỉ số thành phần đều được quy ra các điểm số có sự tương đồng để so sánh giữa các cấp sở, ngành và địa phương trong lĩnh vực liên quan. Bộ công cụ này đảm bảo phản ánh trung thực, khách quan, mang lại độ tin cậy cao và thúc đẩy sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ngành, địa phương” - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Phan Thành Biển cho biết.

Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Tiến Trình cho hay: “Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh rất đồng tình khi Hà Tĩnh xây dựng bộ chỉ số DDCI. Điều này tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến đến các sở, ban, ngành và cấp huyện. Từ đó, tạo động lực quyết liệt, đồng bộ hơn trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp…”.

Hiện nay, các đơn vị liên quan đã hoàn thiện dự thảo Đề án Xây dựng và triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành và cấp huyện (DDCI) tỉnh Hà Tĩnh, đã trình UBND tỉnh, dự kiến ban hành trong tháng 8/2020 - Báo Hà Tĩnh.