[11.05.2020] — Để thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh (NLCT) của các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020 - 2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai trong năm 2020.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hoàng Nghiệp, mục đích của việc thực hiện kế hoạch này nhằm tổ chức đánh giá NLCT của các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố năm 2020 theo Bộ chỉ số DDCI được phê duyệt tại Quyết định số 128/QĐ-UBND, ngày 21-1-2020 của UBND tỉnh đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ nhằm nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện NLCT của tỉnh, với khẩu hiệu truyền thông là: “DDCI Sóc Trăng - Lắng nghe để phục vụ”.
Theo đó, việc tuyển chọn đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát, phân tích, đánh giá và báo cáo kết quả phải khách quan, độc lập. Đơn vị tư vấn phải có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu khảo sát, phân tích, đánh giá và xây dựng báo cáo kết quả DDCI. Các nội dung, tiêu chí và phương pháp đánh giá phải bám sát theo Bộ Chỉ số DDCI được ban hành kèm theo đề án. Số lượng mẫu khảo sát phải đảm bảo đủ độ tin cậy, khoa học. Thông tin khảo sát từ doanh nghiệp phải tuyệt đối được giữ bí mật để bảo đảm cho doanh nghiệp trả lời chính xác, khách quan với thực tiễn. Công tác truyền thông được triển khai nhanh chóng, thường xuyên, hiệu quả; tuyên truyền vận động các sở, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, ủng hộ và tích cực tham gia thực hiện khảo sát. Kết quả đánh giá năm 2020 phản ánh đúng thực trạng, khách quan, công khai, minh bạch; là cơ sở quan trọng, tin cậy làm căn cứ để UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao NLCT cấp tỉnh.
Theo kế hoạch trên thì có 2 đối tượng được đánh giá, gồm: Nhóm các sở, ngành trong năm 2020 đánh giá 19 cơ quan, gồm các sở, ban ngành: Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông Vận tải; Lao động - Thương binh và Xã hội; Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Công an tỉnh; Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh; Cục Thuế tỉnh; Chi cục Hải quan; Cục Quản lý thị trường tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh và nhóm các huyện, thị xã, thành phố tại tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố.
Nội dung đánh giá ở các sở, ngành về tính hiệu quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch; chất lượng dịch vụ công; minh bạch thông tin và đối xử công bằng; tính năng động và trách nhiệm giải trình của cán bộ lãnh đạo; chi phí không chính thức. Đối với nội dung đánh giá các huyện, thị xã, thành phố sẽ đánh giá về: chi phí gia nhập thị trường; khả năng tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh; chất lượng dịch vụ công trong cấp phép và hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra; tính năng động, tiên phong của lãnh đạo địa phương; hiệu quả công tác đối thoại và trách nhiệm giải trình; minh bạch thông tin và đối xử công bằng; hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, chất lượng dịch vụ công và hiệu quả của bộ phận một cửa; hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh; chi phí không chính thức; hiệu quả của công tác an ninh trật tự đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn.
Theo kế hoạch dự kiến sẽ tổ chức hội nghị công bố Bộ chỉ số DDCI tỉnh Sóc Trăng vào tháng 5-2020. Công tác truyền thông, tuyên truyền từ tháng 4 - 8-2020. Chọn mẫu, tiến hành khảo sát, phân tích, đánh giá từ tháng 6 - 9-2020. Công bố kết quả Chỉ số DDCI tỉnh Sóc Trăng năm 2020 dự kiến vào tháng 10-2020.
Thực hiện theo kế hoạch trên, đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương, đơn vị tư vấn triển khai thực hiện. Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan Trung ương tại tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo quán triệt và triển khai kế hoạch này đến phòng, ban chuyên môn và các đơn vị trực thuộc. Thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được phân công – Báo Sóc Trăng.