VI | ENG
Lai Châu: DDCI và các hành động ưu tiên để cải thiện môi trường đầu tư

Lai Châu: DDCI và các hành động ưu tiên để cải thiện môi trường đầu tư

Trải qua 15 năm chia tách tỉnh, Lai Châu đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, Lai Châu vẫn là tỉnh khó khăn nhất trong cả nước, xuất phát điểm thấp, các thành phần kinh tế còn khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Toàn tỉnh Lai Châu hiện có 1.404 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn điều lệ đăng ký 27.035 tỉ đồng. Số doanh nghiệp kê khai thuế là 938 doanh nghiệp và có 317 Hợp tác xã.

Theo kết quả đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỉnh Lai Châu năm 2018 đạt 58,33 điểm, xếp ở vị trí 62/63 tỉnh thành, giảm 0,49 điểm và 2 bậc về thứ hạng so với năm 2017. Với kết quả này, Lai Châu thuộc nhóm chất lượng điều hành Tương đối thấp và đứng cuối trong số các tỉnh thuộc Khu vực miền núi phía Bắc. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Lai Châu còn đang gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Tại Diễn đàn đối thoại doanh nghiệp tỉnh Lai Châu vừa qua, Phó Chủ tịch VCCI, Giám đốc Chi nhánh VCCI tại Thành phố Hồ Chí Minh Võ Tân Thành cho rằng, chính quyền các cấp của tỉnh cần có những biện pháp chính sách hiệu quả và kịp thời nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời kiến tạo nền tảng vững chắc cho việc thu hút đầu tư vào Lai Châu trong thời gian tới.

Theo đó, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành đã đưa ra một số khuyến nghị để tỉnh Lai Châu có thể cân nhắc triển khai trong cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện PCI.

Thứ nhất, tỉnh cần tích cực, chủ động và sáng kiến để xây dựng phương án, tổ chức thực thi các chương trình, giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương trong những năm tiếp theo. Các chương trình này cần phải công bố rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp biết, đồng thời có sự giám sát đánh giá thường xuyên. Trong các chương trình cần tập trung vào các giải pháp như thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính, công khai minh bạch các thông tin có liên quan đến kinh doanh, phát triển Hiệp hội doanh nghiệp, thường xuyên đối thoại, nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp…

Thứ hai, thường xuyên rà soát, đánh giá môi trường kinh doanh của địa phương theo từng lĩnh vực như gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức… và xây dựng chương trình hành động để cải thiện.

Thứ ba, tỉnh cần tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ở nhiều cấp độ: chung của tỉnh, theo lĩnh vực từng sở, ngành, theo địa bàn của quận huyện, theo nhóm doanh nghiệp với những vấn đề chung… Cần đảm bảo các cuộc gặp mặt, đối thoại này có sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Công tác tổ chức đối thoại doanh nghiệp cần giao cho các hiệp hội doanh nghiệp chuẩn bị về mặt nội dung cũng như mời doanh nghiệp đến tham dự đối thoại. Có cơ chế giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp một cách hiệu quả, như cần có một cơ quan, tổ chức độc lập khách quan giám sát quá trình giải quyết, đồng thời cần có đánh giá công khai kết quả giải quyết vướng mắc từ các doanh nghiệp.

Thứ tư, tỉnh Lai Châu cần xây dựng chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa trên địa bàn, chương trình thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp.

Thứ năm, các cơ quan chính quyền địa phương trong vùng cần tiếp tục tăng cường công khai minh bạch thông tin trên website cơ quan chính quyền, đặc biệt là việc đăng tải đầy đủ các thông tin như các quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án đối tác công tư. Những thông tin về phản hồi, đánh giá, phản ánh vướng mắc kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp cũng cần được chú ý đăng tải, ví dụ như đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về các thủ tục hành chính của địa phương. Ngoài ra, danh sách các đối tượng bị thanh kiểm tra theo kế hoạch cũng cần được đăng tải trên website của các cơ quan nhà nước.

Thứ sáu, về thanh tra kiểm tra doanh nghiệp, đề nghị triệt để giao nhiệm vụ cho cơ quan thanh tra tỉnh, thành phố trong việc làm đầu mối kiểm soát các hoạt động thanh kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn, kể cả các cuộc thanh kiểm tra của cơ quan trung ương. Theo đó, mọi cuộc thanh tra theo kế hoạch phải được thông báo trước cho cơ quan thanh tra cấp tỉnh để sắp xếp và bố trí nhằm đạt 3 mục tiêu: (1) giảm số lần và thời gian thanh tra; (2) không thanh kiểm tra trùng lặp; (3) tăng tối đa số đoàn liên ngành, thay vì mỗi đơn vị tiến hành riêng lẻ. Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Thứ bảy, nâng cao hiệu quả thực thi của các sở, ngành và huyện, thị. Có thể tổ chức và thực hiện việc đánh giá thực thi của sở, ngành, quận, huyện một cách thường xuyên, thông qua việc xây dựng và công bố bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và cấp huyện, thành phố (DDCI).

Lãnh đạo tỉnh Lai Châu đã tiếp thu những khuyến nghị của Phó Chủ tịch VCCI và tỉnh cũng đã có chủ trương ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ; Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ để kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp mà tỉnh có lợi thế như cây Chè, Mắc Ca, Chanh leo, dược liệu – Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.