[27.05. 2019] - Tỉnh Đồng Tháp đang hoàn chỉnh để triển khai đánh giá bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương thuộc tỉnh (gọi tắt là chỉ số DDCI) để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực điều hành kinh tế cấp sở, ngành, địa phương và góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC) trong các lĩnh vực liên quan, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, việc đánh giá bộ chỉ số DDCI sẽ được thực hiện trong năm 2019 đối với 16 sở, ngành có chức năng, nhiệm vụ liên quan nhiều đến cải thiện môi trường đầu tư và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư, bao gồm các Sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Công Thương; Lao động - Thương binh và Xã hội; Giao thông Vận tải; Khoa học và Công nghệ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Tài chính; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tư pháp; Thanh tra tỉnh; Công an tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh.
Đồng thời, việc khảo sát, lấy ý kiến của doanh nghiệp, nhà đầu tư về chỉ số DDCI cũng sẽ được thực hiện đối với 6 ban, ngành gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, Quỹ Đầu tư phát triển, Ban Quản lý Khu kinh tế; Cục Thuế; Cục Hải quan và Bảo hiểm xã hội tỉnh.
Ngoài ra, 12/12 huyện, thị xã và thành phố của tỉnh sẽ được lấy ý kiến doanh nghiệp đánh giá về DDCI nhằm góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Để đánh giá khách quan các chỉ số DDCI, tỉnh sẽ thực hiện khảo sát, lấy ý kiến của khoảng 700 đến 1.000 doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và hộ kinh doanh đang tìm hiểu, khảo sát và triển khai dự án trên địa bàn tỉnh có tương tác hoặc sử dụng dịch vụ hành chính công của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trong tỉnh.
Theo kế hoạch, ngành chức năng tỉnh sẽ tổ chức phát phiếu về chỉ số DDCI cho doanh nghiệp đánh giá qua đường bưu điện hoặc phỏng vấn, khảo sát trực tiếp doanh nghiệp. Các doanh nghiệp và đơn vị liên quan sẽ đánh giá các sở, ban, ngành tỉnh qua 9 chỉ số thành phần của bộ tiêu chí DCCI gồm: tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động của lãnh đạo, chi phí thời gian; chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (chính quyền điện tử).
Đối với cấp UBND các huyện, ngoài 9 chỉ số nêu trên, các doanh nghiệp sẽ đánh giá thêm tiêu chí về tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất. Kết quả đánh giá mỗi sở, ngành và địa phương được tổng hợp lại từ sự đánh giá của doanh nghiệp ở tất cả các tiêu chí nêu trên.
Việc tỉnh triển khai đánh giá bộ chỉ số DDCI đang được cộng đồng doanh nghiệp đón chờ. Ông Lương Nguyễn Duy Thông - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên K & Y, trụ sở tại phường 6, TP.Cao Lãnh cho hay, rất quan tâm việc triển khai đánh giá bộ chỉ số DDCI. Trong 10 chỉ số khảo sát thì chỉ số đào tạo lao động là trăn trở của ông. Bởi việc tìm lao động chất lượng cao tại các doanh nghiệp của tỉnh hiện rất khó khăn. Thời gian tới, tỉnh cần nâng cao chất lượng đào tạo lao động cung cấp cho doanh nghiệp nhằm góp phần nâng cao chỉ số PCI. Ở tiêu chí về đào tạo lao động trong bảng đánh giá, ông Thông đề nghị tỉnh cần tăng trọng số dự kiến lớn hơn 5%.
Đồng Tháp là địa phương đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long triển khai đánh giá bộ chỉ số DDCI. Bà Huỳnh Thiên Trang - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ đánh giá cao sự năng động của tỉnh trong triển khai bộ tiêu chí DDCI. Bà Trang chia sẻ kinh nghiệm, muốn thực hiện bộ chỉ số DDCI thành công, tỉnh cần lưu ý chọn đơn vị để tư vấn, đánh giá DDCI có năng lực độc lập và phải có trách nhiệm nhắc nhở các cấp chính quyền địa phương tham mưu với lãnh đạo tỉnh trong việc chỉ đạo điều hành nếu không sẽ dẫn đến kết quả DDCI sai lệch.
Nền tảng chủ yếu của tiêu chí DDCI vẫn là bộ chỉ số PCI. Vì vậy, theo bà Huỳnh Thiên Trang, trong thiết kế bộ chỉ số DDCI, tỉnh cần xác định mục tiêu của tỉnh để xây dựng và đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với các sở, ngành và các địa phương, cần đề cập những khó khăn, hạn chế đang tồn tại của tỉnh. Kết quả khảo sát phải gắn liền với việc thực hiện các chủ trương, chính sách quy hoạch và phát triển của tỉnh. Ngoài ra, để đạt kết quả bền vững trong thực hiện bộ chỉ số DDCI, tỉnh cần phải triển khai thực hiện đánh giá DDCI trong giai đoạn từ 3-5 năm liên tục.
Việc triển khai đánh giá bộ chỉ số DDCI có ý nghĩa với việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực điều hành kinh tế cấp sở, ngành và các địa phương. Kết quả đánh giá đó là cơ sở để các đơn vị chỉ ra được những ưu, nhược điểm trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần giúp các đơn vị liên quan nghiên cứu các giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hằng năm nhằm cải thiện chất lượng điều hành và tạo động lực cạnh tranh mạnh mẽ giữa các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh.
Trong buổi triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC năm 2019 và tham vấn ý kiến của một số doanh nghiệp về bộ chỉ số DDCI mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương cho hay việc thực hiện đánh giá bộ chỉ số DDCI là rất quan trọng để nâng cao chất lượng điều hành của các sở, ngành và các địa phương của tỉnh. Ông yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn chỉnh bộ tiêu chí đánh giá DDCI để triển khai thực hiện - Báo Đồng Tháp