VI | ENG
Hà Giang: DDCI “đòn bẩy” khơi thông “điểm nghẽn” trong điều hành kinh tế

Hà Giang: DDCI “đòn bẩy” khơi thông “điểm nghẽn” trong điều hành kinh tế

[09.10.2021] — Được mệnh danh là “tập hợp tiếng nói của doanh nghiệp” (DN), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có mức độ lan tỏa rộng khắp tới chính quyền 63 tỉnh, thành trong cả nước khi trở thành công cụ đánh giá mức độ điều hành kinh tế, sự thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền sở tại. Thông qua chỉ số này, tỉnh ta nhận định rõ “điểm nghẽn” để lựa chọn giải pháp điều hành kinh tế một cách phù hợp, hiệu quả nhất.

Kết quả công bố chỉ số PCI năm 2020 từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy: Tỉnh ta đạt 61,16 điểm, xếp thứ 61/63 tỉnh, thành phố (giảm 1,46 điểm và 1 bậc so với năm 2019), giữ vị trí xếp hạng ở nhóm Trung bình cùng 31 tỉnh, thành phố. So với các địa phương trên cả nước, Hà Giang thấp hơn tỉnh đứng đầu (Quảng Ninh) 13,93 điểm, thấp hơn tỉnh trung vị (Vĩnh Phúc) 2,68 điểm và cao hơn tỉnh đứng cuối (Bạc Liêu) 1,55 điểm. So với các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, tỉnh ta xếp vị trí 14/14, thấp hơn tỉnh dẫn đầu (Thái Nguyên) 5,4 điểm.

Phân tích PCI của tỉnh ta cho thấy: 4/10 chỉ số thành phần (CSTP) tăng điểm, tăng xếp hạng, bao gồm: Chi phí không chính thức (CPKCT), chi phí thời gian, tính năng động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Nổi bật trong đó, chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự của tỉnh ta đạt 7,81 điểm, xếp hạng thứ 3/63 tỉnh, phố. So với năm 2019, tăng 1,26 điểm và 28 bậc. Đây là chỉ số tăng điểm và tăng xếp hạng cao nhất trong 10 CSTP PCI của tỉnh. Điều này chứng minh sự nỗ lực của các ngành trong thực thi, nâng cao pháp lý của hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của DN; tạo niềm tin của DN tư nhân đối với hệ thống tòa án, tư pháp của tỉnh cũng như tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Thêm một ấn tượng khác, chỉ số chi phí thời gian đạt 7,94 điểm, xếp hạng thứ 25/63 tỉnh, thành phố, tăng 0,79 điểm so với năm 2019. Qua đó, góp phần tạo tiền đề đột phá trong việc giảm chi phí thời gian cho DN trong thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) cũng như mức độ thường xuyên và thời gian DN phải tạm dừng kinh doanh để các cơ quan nhà nước của địa phương thực hiện việc thanh tra, kiểm tra.

Cùng với kết quả trên, chỉ số tính năng động đạt 6,51 điểm, đưa Hà Giang xếp hạng thứ 27/63 tỉnh, thành phố (tăng 13 bậc so với năm 2019). Đây là minh chứng sinh động đo lường sự sáng tạo, sáng suốt của lãnh đạo tỉnh trong quá trình thực thi chính sách của T.Ư cũng như việc đưa ra các sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, vướng mắc, khó khăn của DN được tháo gỡ kịp thời thông qua đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền các cấp với DN (tăng 9%) và tỷ lệ DN hài lòng với phản hồi/cách giải quyết của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng 19% so với năm 2019. Tương tự như vậy, chỉ số CPKCT đạt 6,14 điểm, xếp hạng 48/63 tỉnh, thành phố, tăng 6 bậc so với năm 2019. Những chuyển biến tích cực của chỉ số này đến từ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền tỉnh trong việc quyết liệt phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt” gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân và DN. Điều này được thể hiện rõ nét nhất thông qua DN đánh giá việc chi trả CPKCT cho cán bộ thanh tra, kiểm tra giảm 17% và tỷ lệ DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại CPKCT giảm 8%.

Kết quả phân tích PCI của tỉnh cũng chỉ rõ: Các CSTP có trọng số lớn (10%, 20%) trong tổng điểm PCI của tỉnh chưa được cải thiện, gồm: Dịch vụ hỗ trợ DN, tính minh bạch, đào tạo lao động dẫn tới tổng điểm và vị trí xếp hạng thấp. Mặt khác, nhiều CSTP vẫn duy trì ở mức điểm thấp, xếp hạng trung bình so với các tỉnh, thành phố trong cả nước (đứng thứ tự từ 30 – 61/63 tỉnh, thành phố). Theo đánh giá của DN, vẫn còn tồn tại tình trạng tiêu cực khi giải quyết TTHC, đặc biệt là các khoản CPKCT đối với thủ tục về đất đai và thuế. Thêm vào đó, công tác giải phóng mặt bằng và cung cấp thông tin về đất đai còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của DN…

Hiện nay, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung cao độ triển khai giải pháp khắc phục các CSTP có mức xếp hạng giảm, nhất là các CSTP có trọng số 20%. Đẩy mạnh cải thiện các CSTP có mức xếp hạng tăng nhưng vẫn thuộc nhóm xếp hạng trung bình của cả nước. Đồng thời, duy trì, nâng cao các CSTP có mức xếp hạng tăng thông qua cải thiện một số chỉ tiêu còn đạt thấp. Đặc biệt hơn, tỉnh ta đã, đang tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực điều hành của 22 sở, ban, ngành, UBND 11 huyện, thành phố (DDCI) trên địa bàn tỉnh để chỉ rõ tồn tại, hạn chế ở cơ quan, đơn vị nào. Dự kiến tháng 10.2021 sẽ công bố kết quả đánh giá chỉ số DDCI. Theo đó, dưới sự tham vấn của chuyên gia VCCI và Hiệp hội DN tỉnh, khoảng 1.500 phiếu điều tra liên quan đến 10 CSTP thuộc PCI sẽ được khảo sát tại các DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai dự án đầu tư; các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn toàn tỉnh…

Thông qua đánh giá chỉ số DDCI được kỳ vọng là “đòn bẩy” quan trọng, góp phần khơi thông “điểm nghẽn” trong điều hành kinh tế của tỉnh. Đồng thời, xây dựng môi trường thi đua giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác phục vụ, cải cách TTHC liên quan đến nhà đầu tư, DN; là bộ công cụ để chính quyền địa phương quản lý, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, yếu điểm đối với từng lĩnh vực nhằm tạo động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ, góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Hơn nữa, còn tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch tiếp nhận ý kiến góp ý nhằm cải thiện mức độ hài lòng của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh – Báo Hà Giang.