VI | ENG
Lào Cai: Bình đẳng giới từ góc nhìn chỉ số DDCI

Lào Cai: Bình đẳng giới từ góc nhìn chỉ số DDCI

Các vấn đề về bình đẳng giới được đại diện các hộ kinh doanh và doanh nghiệp, HTX đánh giá ở mức điểm “tốt” cho thấy một bức tranh sáng về bình đẳng giới tại tỉnh Lào Cai.

Năng lực quản lý kinh tế của phụ nữ ngày càng nâng cao

Theo khảo sát, có hơn 58% hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ đạt doanh thu dưới 100 triệu đồng. Hầu hết quy mô hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ đều ở quy mô siêu nhỏ. Khoảng 35% số hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ đạt doanh thu trong khoảng 100 triệu đồng tới 500 triệu đồng. Một tỷ lệ rất nhỏ hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ đạt doanh thu một năm trên 500 triệu đồng (khoảng 6%).

Kết quả khảo sát cho thấy hộ kinh doanh do nam giới làm chủ có tỷ lệ đạt được doanh thu cao trên 100 triệu đồng một năm lớn hơn tỷ lệ này trong số hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ. Phụ nữ dường như quản lý kinh doanh ở quy mô nhỏ tốt hơn, đặc biệt ở mức doanh thu dưới 100 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ kinh doanh do nữ làm chủ có lãi và lãi như mong muốn khá cao đạt 80%, tương đương với tỷ lệ này của nam giới. Mặt khác, tỷ lệ báo cáo lỗ của hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ rất ít, chiếm 7,7%, tương đương với tỷ lệ thua lỗ của hộ kinh doanh do nam giới làm chủ. Điều đó cho thấy năng lực của phụ nữ trong các hoạt động quản lý kinh tế cân bằng với nam giới.

Theo khảo sát, hầu hết hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ có kế hoạch sẽ tiếp tục với quy mô kinh doanh hiện tại (chiếm 89%), cao hơn chút so với tỷ lệ này ở hộ kinh doanh do nam giới làm chủ (chiếm 81,5%). Trong khi đó, tỷ lệ hộ kinh doanh do nam giới làm chủ có kế hoạch tăng quy mô sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn giữ mô hình hộ kinh doanh chiếm 8% tổng số hộ kinh doanh do nam giới làm chủ. Tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ ở hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ có kế hoạch tăng quy mô.

Tương tự như tình hình sản xuất, kinh doanh của hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ, phần lớn doanh nghiệp/ hợp tác xã do phụ nữ làm chủ có quy mô nhỏ dưới một tỷ đồng (trên 52%), cao hơn tỷ lệ này ở doanh nghiệp/ hợp tác xã do nam giới làm chủ. Khoảng 23% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có doanh thu trong khoảng 1 tỷ tới 5 tỷ đồng. Ở mức doanh thu cao hơn, trên 10 tỷ đồng đối với khối doanh nghiệp thì tỷ lệ do nam giới làm chủ cao hơn tỷ lệ do phụ nữ làm chủ.

Đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, tỷ lệ doanh nghiệp sẽ tiếp tục với quy mô hiện tại đạt khoảng 70% tổng số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Tỷ lệ này ít hơn ở doanh nghiệp do nam giới làm chủ (khoảng 59%). Điểm lạc quan là tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có ý định mở rộng quy mô kinh doanh đạt tỷ lệ khá lớn, chiếm hơn 23%, trong khi đó, tỷ lệ này cao hơn ở tỷ lệ doanh nghiệp do nam giới làm chủ (khoảng hơn 36%). Hơn 7% số đại diện doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được hỏi trả lời họ có kế hoạch giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa doanh nghiệp.

Tiếp tục phát huy vai trò và tính năng động của lãnh đạo nữ

Hầu hết chủ hộ kinh doanh tham gia khảo sát đều đồng ý với nhận định “Chính quyền cấp huyện đã thực sự chú ý tới cơ sở sản xuất, kinh doanh do phụ nữ, người dân tộc thiểu số, nhóm người yếu thế làm chủ trong các hoạt động quản lý, điều hành kinh tế”.

Tỷ lệ chủ hộ kinh doanh đồng ý rằng chính quyền cấp huyện đã phát huy vai trò và tính năng động của lãnh đạo nữ trong quá trình quản lý điều hành kinh tế đạt 85%. Chỉ 14% tỷ lệ chủ hộ kinh doanh được hỏi đồng ý một phần. Tỷ lệ này không có quá nhiều khác biệt khi so sánh qua góc nhìn của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh là nam giới và nữ giới.

DDCI cũng đã điều tra khảo sát về cảm nhận của hộ kinh doanh về việc chính quyền huyện đã quan tâm chú trọng các yếu tố về giới, dân tộc thiểu số, ưu tiên các đối tượng thiệt thòi trong các chương trình hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại huyện. Kết quả cho thấy gần 99% số người được khảo sát đồng ý và đồng ý một phần về nhận định này.

Trong câu hỏi liên quan tới nhận định “Chính quyền huyện đã phát huy vai trò và tính năng động của lãnh đạo nữ trong quản lý điều hành kinh tế”, 85% chủ hộ kinh doanh được hỏi cho biết họ đồng ý với nhận định trên, chỉ 14% đồng ý một phần.

Trong khi đó, khảo sát DDCI cũng đã lấy ý kiến của doanh nghiệp về vấn đề “Các nội dung về phát triển bao trùm (bình đẳng giới, dân tộc thiểu số, xã hội,…) đã được quan tâm chú ý trong quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch của sở, ban, ngành”. Gần 90% số doanh nghiệp được hỏi đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý với nhận định trên, 10% đồng ý một phần. Tương tự, hơn 90% chủ doanh nghiệp được hỏi đồng ý, hơn 9% đồng ý một phần với nhận định “Các vấn đề về giới, dân tộc thiểu số, phụ nữ kinh doanh đã được quan tâm, chú ý trong quá trình cung cấp dịch vụ công liên quan tới lĩnh vực quản lý của sở, ban, ngành quản lý”. Nữ giới có phần đánh giá tích cực hơn nam giới, tuy nhiên tỷ lệ chênh lệch không đáng kể.

Liên quan tới lãnh đạo các sở, ban, ngành đã chú ý tới vấn đề bình đẳng giới, doanh nhân nữ, khuyến khích phụ nữ kinh doanh trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách, chương trình hỗ trợ, quy hoạch, hơn 90% doanh nghiệp được hỏi đồng ý và hoàn toàn đồng ý, 9,5% trong số họ đồng ý một phần. Về vai trò của lãnh đạo nữ trong các sở, ban, ngành đã được phát huy và nâng cao, tỷ lệ đồng ý và đồng ý một phần đại diện doanh nghiệp cũng tương tự, với tỷ lệ 90% và 10% tương ứng.

Cảm nhận về bình đẳng giới từ góc nhìn DDCI sở, ngành được thể hiện cụ thể qua hệ thống các chỉ tiêu đo lường về giới. DDCI tìm hiểu và phân tích sâu và xếp hạng theo thang điểm 10. Nhận xét về chỉ tiêu “quan tâm, chú ý tới các yếu tố giới trong thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch”, điểm số trung bình chung toàn tỉnh là 8,03 điểm. Phân tích theo giới, nam giới nhìn chung đánh giá chỉ tiêu này tích cực hơn phụ nữ (đạt 8,08 điểm). Trong khi đó, đại diện các doanh nghiệp, HTX do phụ nữ làm chủ chỉ dành mức 8,01 điểm cho chỉ tiêu kể trên.

Chỉ tiêu mức độ quan tâm đến các vấn đề về giới, dân tộc thiểu số, phụ nữ kinh doanh, trong quá trình cung cấp dịch vụ công đạt số điểm trung bình 8,23/thang điểm 10, ở nhóm “tốt”. Đại diện các doanh nghiệp, HTX do phụ nữ làm chủ đánh giá chỉ tiêu này ở mức điểm 8,15 điểm. Trong khi điểm số tương ứng do nam giới đánh giá là 8,27 điểm.

Chỉ tiêu mức độ bình đẳng và có các cơ hội, quyền như nhau thể hiện qua các doanh nghiệp do nữ làm chủ hoặc điều hành và các doanh nghiệp nam giới làm chủ hoặc điều hành đều được đối xử bình đẳng, công bằng cũng được đại diện doanh nghiệp đánh giá “tốt” với 8,13 điểm. Doanh nghiệp, HTX do phụ nữ làm chủ cảm thấy tin tưởng hơn vào sự công bằng, cảm nhận chung chỉ tiêu trên ở mức 8,22/10 điểm.

Trong quá trình trình xây dựng, thực thi chính sách, chương trình, quy hoạch, lãnh đạo sở, ngành đã tích cực, quan tâm tới dân tộc thiểu số, bình đẳng giới, doanh nhân nữ, khuyến khích phụ nữ kinh doanh được các doanh nghiệp trong điều tra DDCI đánh giá ở mức độ “tốt” (8,05 điểm). Kết quả là có chút chênh lệch khi doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chấm 8,01 điểm, trong khi doanh nghiệp do nam giới làm chủ chấm chỉ tiêu này đạt 8,06 điểm. Vai trò, tính năng động của lãnh đạo nữ trong quản lý điều hành của các sở, ngành cũng không có nhiều khác biệt khi xem xét cảm nhận chung của doanh nghiệp do nam giới và nữ giới làm chủ.

Có thể thấy, tuy sự đánh giá có chút khác biệt ở đại diện cơ sở sản xuất, kinh doanh do nam giới và phụ nữ làm chủ ở một số chỉ tiêu, nhưng nhìn chung sự khác biệt là không nhiều. Các sở, ngành và chính quyền địa phương vẫn có biên độ để cải thiện hơn nữa các vấn đề liên quan tới giới, để đạt được mức đánh giá cao hơn trong thời gian tới – Báo Lào Cai.